00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

LỄ XUẤT GIA - NHIỆM VỤ TRỌNG TRÁCH CỦA NGƯỜI XUẤT GIA

LỄ XUẤT GIA - NHIỆM VỤ VÀ TRỌNG TRÁCH CỦA NGƯỜI XUẤT GIA

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 18/07/1997

Thời lượng: [1:03:04]

Tên cũ: Lễ xuất gia

1- XUẤT GIA LÀ LỘ TRÌNH ĐẦY CAM GO KHẮC KHÓ

(0:00) Trưởng lão: Hôm nay, các con được Thầy nhận để làm lễ xuất gia cho các con, là một cái điều rất vinh hạnh cho đời sống tu hành của các con. Tại sao vậy? Tại vì đời sống của người xuất gia không phải giống như đời sống của thế gian, phải sống đúng hạnh của người xuất gia, không thể nào sống còn chạy theo dục lạc của thế gian.

Và đời sống của người xuất gia rất là khó khăn, muôn vàn khó khăn, vì phải biết thiểu dục tri túc, vì phải biết tỉnh thức, vì phải biết phòng hộ sáu căn, cho nên cuộc sống không phải là cuộc sống tầm thường mà người thế gian làm được. Chỉ có người quyết tâm tìm con đường giải thoát mới có thể thực hiện được mà thôi.Vì vậy muốn xuất gia là phải hiểu được con đường xuất gia như thế nào.

Như Thầy đã vạch trong giáo án của Phật, lộ trình xuất gia một vị tu sĩ là phải từ giả tất cả những sợi dây ràng buộc của thế gian, không còn thương ghét giận hờn, không còn của cải tài sản, sống vô gia đình, không nhà cửa, chỉ còn ba y một bát, thiểu dục tri túc hằng ngày, biết đủ không tính thiếu. Do đó rất là khó đối với một con người còn tâm dục lạc thế gian, thì không thể nào sống được đời sống xuất thế gian.

Vì thế hôm nay có đủ duyên mà các con muốn hướng đến sự tu hành của đạo Phật, trở về con đường giải thoát thật sự của một tu sĩ đạo Phật, phải biết trau dồi, rèn luyện, tu tập những gì mà chưa làm được. Cần phải cố gắng thực hiện hằng ngày, phải trau dồi rèn luyện tu tập, để thực hiện sống đúng và giải thoát đúng con đường của một người xuất gia tu hành.

(01:54) Vì con đường này rất là khó không phải dễ ai cũng làm được. Vậy mà hôm nay có duyên mấy con đã chọn lấy con đường này, tu hành thì phải biết nó là một con đường đưa đến giải thoát cứu cánh hoàn toàn cho một kiếp người trong hiện tại.

Chứ không phải xuất gia tu hành chỉ có chiếc đầu cạo trọc và chiếc áo chiếc y mặc bên ngoài, mà đã cạo sạch thân tâm của chúng ta không còn tham sân si phiền não nữa, mà còn cạo sạch những thứ ô uế, ô trược trong tâm hồn của chúng ta từ muôn kiếp, chứ không phải có những sự bên ngoài, hình thức bên ngoài, mà cả những sự nạo vét tận sạch trong thân tâm của chúng ta, để hoàn toàn thanh tịnh, để hoàn toàn thực hiện đường đi giải thoát của đạo Phật.

Chúng ta đã biết được lộ trình của đạo Phật là một lộ trình đưa con người đến giải thoát cứu cánh hoàn toàn. Vì thế đời sống của người tu sĩ xuất gia là một đời sống rất là khổ. Các con phải bền chí, phải gan dạ, phải kiên trì, nghị lực mà chiến đấu từng phút từng giây để vượt qua, để làm tròn, để sống đúng con đường của đạo giải thoát.

(03:13) Nếu không kiên trì, không nhẫn nhục, không trau dồi, không rèn luyện, thì các con khó mà sống trong cái đời sống của người xuất gia nổi. Vì thế toàn bộ thân tâm của các con, sức lực và nghị lực của các con phải đem hết, đem hết.

Hồi nào tuy biết rằng cố gắng, nhưng bây giờ khi đã mang cái hình thức của vị tu sĩ thì phải còn cố gắng hơn, cố gắng hơn để làm cho sáng tỏ Phật pháp, để làm cho gương hạnh cho mọi người, thấy chiếc đầu tròn chiếc áo vuông của chúng ta người ta kính trọng mãi mãi muôn đời. Nhờ thế mà Phật pháp mới còn, nhứt là phái nữ của các con hôm nay.

2- NƯƠNG VÀO BA ĐỨC HẠNH ĐỂ GIẢI THOÁT

Thầy là một người tu sĩ nam, cũng như đức Phật ngày xưa là một người nam không có đứng ra mà cho các con thọ giới để mà trở thành một tu sĩ nữ. Đức Phật khi nhận lời ông A-Nan thì đức Phật đã chế ra Bát Kỉnh Pháp. Các con nhờ Bát Kỉnh Pháp mà quy y theo ba ngôi Tam Bảo và thọ đầy đủ những giới luật của Phật, cụ túc của Phật để thực hiện một đời sống giải thoát của chính mình.

Hôm nay, thì thời đại của chúng ta nó cũng như cái thời đại của đức Phật, các con cũng phải lấy Bát Kỉnh, nhưng ở đây Bát Kỉnh Phật ngày xưa đã dùng và hiện thời, thì Thầy không lấy Bát Kỉnh, mà lấy ba Đức để thực hiện nơi người nữ.

Và cũng nơi ba Đức này mà các con thực hiện được, thì con đường của đạo Phật, con đường xuất gia của đạo Phật các con sẽ sống được và thực hiện được những đức hạnh, những giới hạnh của Phật đã dạy, các con sẽ đi đến cái đích, đạt được cái mục đích cuối cùng của giới hạnh, của phạm hạnh của người tu.

Ba Đức đó là gì? Thầy từng nhắc đi nhắc lại cho các con rất nhiều đó là: Đức thứ nhất là nhẫn nhục, Đức thứ hai là tuỳ thuận, Đức thứ ba là bằng lòng. Ba Đức này bao gồm ở trong Bát Kỉnh Pháp mà Phật đã nêu ra trong khi độ người nữ trở thành giáo đoàn Ni trong thời lúc bấy giờ.

(5:53) Còn bây giờ thì Thầy dùng ba Đức này, để lấy ba Đức này làm y chỉ cho các con nương vào đó mà thực hiện con đường giải thoát. Cho nên ba Đức này là coi như là một vị Thầy đại diện cho Phật - Pháp - Tăng và ba trăm bốn mươi tám giới, để cho các con thực hiện đầy đủ giới hạnh oai nghi của một người tu sĩ.

Nếu có nhẫn nhục, có tuỳ thuận, có bằng lòng, thì các con sẽ thấy tâm hồn các con mới giải thoát ngay liền lúc đó, và giới hạnh mới đắc được, và mới có cái sự sắp được, mới có Bát Kỉnh Pháp mới ngay đó mới thực hiện được.

Do cố gắng giữ gìn ba cái điều này, nó là người đại diện để xuất gia cho các con, và sẽ trở thành lập một Ni đoàn sau này, lấy đó mà nương vào chứ không làm các pháp Yết Ma như các bậc Tôn Túc của chúng ta. Tại sao vậy? Tại vì hiện giờ các pháp Yết Ma đâu đâu cũng theo đó mà làm, nhưng mà thực hành, nhưng người tu sĩ đã thọ giới trong các pháp Yết Ma, thì lại là phạm giới, phạm giới quá nhiều.

Không đi đến giải thoát mà đi đến dục, đi đến trong cảnh dục lạc của thế gian. Người tu sĩ nữ bỏ hết đời mình, bỏ hết tất cả mọi gì trên thế gian, để rồi có tất cả những gì trên thế gian. Cuộc đời giải thoát không còn có giải thoát nữa, mà trói buộc chằng chịt bao nhiêu sợi dây ràng buộc của dục lạc thế gian, tới khi chết rồi, mắt nhắm không yên, thân hành khổ não vô cùng vô tận.

Nhìn các bậc Tôn túc bên Ni mà chúng ta rất là đau khổ. Bởi vậy, các con hãy cố gắng, mà cố gắng thực hiện ba cái Đức đó là thay mặt Phật, thay mặt Thầy, mà hướng dẫn cho các con đi vào con đường xuất gia tu hành giải thoát.

(08:09) [Các con đừng có quỳ thẳng, ngồi xuống đi con để nghe Thầy, quỳ thẳng mỏi chân.]

3- NHIỆM VỤ VÀ TRỌNG TRÁCH CỦA NGƯỜI XUẤT GIA

Bởi vậy lộ trình của người xuất gia là một lộ trình rất là cam go khắc khổ. Người ta tưởng xuất gia sẽ là sung sướng, sẽ được đầy đủ, hạnh phúc an vui. Không phải. Con đường xuất gia là con đường rất là khắc khổ đối với cuộc sống của chúng ta. Vì có con đường khắc khổ như vậy, chúng ta mới tìm đến sự giải thoát sanh tử luân hồi. Nếu không khắc khổ như vậy làm sao chúng ta giải thoát luân hồi được.

Chúng ta không phải là những kẻ khổ hạnh, nhưng chúng ta biết con đường đời là con đường khổ. Con đường xuất gia tuy khổ về mặt đời nhưng giải thoát về mặt tinh thần. Mỗi bước đi, mỗi giới luật của Phật đều đem đến cho chúng ta một giải thoát, một sự an vui, một sự hạnh phúc vô cùng vô lượng.

Nếu chúng ta biết tu hành, biết giữ gìn giới hạnh, biết tu tập giới đức, biết thực hiện giới tuệ, biết trau dồi giới bổn, và biết luôn luôn lúc nào cũng luyện tập, không quên giới hành thì chắc chắn mỗi giờ mỗi khắc mỗi giây chúng ta thấy cuộc đời an vui, hạnh phúc. Bát phong không làm động nổi tâm ta, gió không lay chuyển nơi tâm hồn ta được. Muốn được vậy thì đây về sau khi Thầy làm cái cuộc lễ xuất gia này cho các con, hãy cố gắng mà thực hiện.

(9:59) Lần lượt thì Thầy sẽ trao y và bát cho các con, để thực hiện một đời sống khất sĩ du tăng, không chết một nơi nào, không trụ một nơi nào. Ngày nào chúng ta thực hiện xong con đường tu tập, ngày ấy chúng ta trở thành những du tăng khất sĩ, nơi rừng sâu, nơi núi thẳm đều là nơi chúng ta ở.

Nơi nào nghèo đói, nơi nào mà thiếu Phật pháp là nơi đó chúng ta nương tựa để đem đạo đức Nhân Quả dạy người, để đem hạnh từ bi nơi cuộc sống của chúng ta mà làm tròn bổn phận truyền lại đức hạnh của đạo Phật cho muôn người, lợi ích cho muôn người.

Như vậy chúng ta mới đi vào cái con đường giải thoát, con đường quá khắc khổ này, để làm lợi ích, thứ nhất là cho mình, và kế đó cho tất cả những người thân thương của mình, họ đang hướng về mình, và cho tất cả mọi chúng sanh, mọi người chưa biết Phật pháp, mọi người đang biết Phật pháp mà đã lầm đường lạc nẻo. Đó là nhiệm vụ và trọng trách của các con.

Từ khi xuất gia, từ khi khoác chiếc áo, chiếc y của tu sĩ vào mình, chiếc đầu bỏ xuống, không còn là chiếc đầu của thế gian nữa, không còn đẹp đẽ, không còn trang điểm làm cho nó xinh đẹp nữa, nó trở thành một chiếc đầu tròn.

Thì lúc bấy giờ nó không còn gì là xinh đẹp đối với thế gian nữa, thì chúng ta nên biết chiếc đầu tròn chỉ còn đẹp nhứt là ở đức hạnh nó mà thôi, chứ không còn cài hoa vắt trâm trên đó nữa, mà chỉ còn nêu lên ánh sáng hào quang, mùi hương thơm ngát của đức hạnh của người tu, ăn ngày một bữa, sống ít ngủ, đi nhìn xuống, không ngó qua ngó lại.

(12:04) Nó sẽ tỏa hương thơm ngát muôn phương, giúp cho người thấy đó mà nương vào Phật pháp tìm đường giải thoát. Qua những hạnh tu này, các con phải ghi nhớ mãi trong tâm khi mà ngày nay trở thành những vị tu sĩ. Các con không phải trải qua nhiều giai đoạn từ Sa-di cho đến Thức-xoa rồi mới Tỳ-kheo.

Ở đây các con sống đúng giới hạnh, các con lập đức lập hạnh đúng mức, thì ngay đó các con sẽ là những vị Tỳ-kheo-ni, xứng đáng là những đệ tử của Phật, không phải như chúng ta là những học sinh phải trải qua nhiều cấp bậc mới có thể có cấp bằng này cấp bằng kia.

Ở đây chúng ta chỉ có một cấp bằng là giải thoát được, có một cấp bằng là đạo đức chúng ta có thực hiện được nơi thân tâm của chúng ta hay không, giữ gìn oai nghi tế hạnh của chúng ta được hay không, đó là cấp bằng của người tu sĩ. Chứ không phải là cấp bằng của chúng ta là từ Sa-di-ni, rồi từ Thức-xoa-ni, rồi đến Tỳ-kheo-ni. Không phải vậy đâu. Rồi bắt đầu chúng ta tiến dần trong nhiều năm hạ, thì từ đó chúng ta mới lên Sư bà, rồi Sư trưởng, không phải vậy.

Chúng ta chỉ có một chức vụ cao nhứt là Trưởng lão, khi chúng ta đã làm chủ sanh tử, chấm dứt luân hồi. Dù chúng ta tuổi còn trẻ mà vừa bước chân vào đạo đã chứng quả A La Hán làm chủ được sanh tử, chấm dứt được luân hồi, lúc bấy giờ chúng ta cũng là bậc Trưởng lão, chứ không phải tu lâu năm mà trở thành bậc Trưởng lão. Dù tu lâu năm mà không có được sự giải thoát, không làm chủ được sanh tử, thì vẫn xem là một người chưa có gì hết, chưa được gọi là Trưởng lão.

(14:06) Thầy theo đúng con đường của Phật dạy, bậc nào gọi là Trưởng lão là bậc đó dù tuổi rất trẻ mới hai mươi, mà vẫn được, làm chủ được sanh tử, chấm dứt được luân hồi thì bậc đó đều là Trưởng lão. Trưởng lão có thể tương đương với cái giáo phẩm hiện giờ có thể gọi là Thượng tọa hay là Hòa thượng.

Như vậy thì các con biết Thầy dẫn dắt các con đi từ cái chỗ đúng của đạo Phật, không sai, vì ngày xưa đức Phật cũng hướng dẫn các đệ tử của mình cũng như vậy. Cho nên không vì cấp bậc Hòa thượng, Thượng toạ, Đại đức mà chúng ta tu hành, mà chúng ta vì cấp bậc giải thoát mà tu hành, cho nên người ta đặt cái tên là Trưởng lão, chứ sự thật ra cái tên Trưởng lão chẳng qua là nhắm vào sự tu hành giải thoát trên lộ trình xuất gia của chúng ta mà thôi.

(15:02) Muốn được vậy, thì từ đây bước chân vào cái lộ trình này thì các con phải nhớ kỷ, phải thực hành giới luật mà Thầy đã dạy, đã học, đã biết giữ gìn. Khi ra đi thì phải giữ gìn những cái Định, những cái phòng hộ sáu căn như thế nào, oai nghi tế hạnh của mình như thế nào, giữ gìn rất là kỹ lưỡng, nghiêm túc.

Từ đây về sau, dù có ai mời gì mà lúc bấy giờ là phi thời thì nhứt định là, nhất định là không ăn, thà chết, giữ gìn giới hạnh của Phật nghiêm túc. Nhứt là cái ăn, thứ hai là cái mặc, thứ ba là trong giấc ngủ phải tập cho tỉnh. Khi mê thì chúng ta xốc xếch y áo, khi mê thì để chúng ta coi người khác nhìn cười mình. Cho nên cố gắng mà tỉnh thức, cố gắng mà sống riêng rẻ, không nên sống chung trong thế gian như người thế gian nữa.

(15:59) Chúng ta tránh không được nằm chung với bất kỳ một người nào, một đời tu hành chỉ biết có một mình mình mà thôi. Đó là những cái oai nghi tế hạnh của người tu sĩ. Y áo chúng ta có rách cố gắng vá lại, không ham muốn y áo mới. Chừng nào rách mà chúng ta không sử dụng được nữa, không xài được nữa thì chúng ta mới xin y áo mới mà thôi. Các con nhớ kỹ, thì như vậy Thầy mới xuống tóc và xuất gia cho các con.

4- PHẬT TỬ PHÁT NGUYỆN XUẤT GIA

Bây giờ các con đã hiểu cái lộ trình xuất gia rồi, có đồng ý thì các con quỳ lên mà tự tâm các con phát nguyện. Thầy gợi ý cho các con như thế này, trước tiên Thầy gợi ý cái câu này, để sau đó các con theo ý đó mà đọc ra, mỗi người đều đọc ra.

Bây giờ con ngồi xuống đi con, để cô Loan trước, cô Loan lớn tuổi, con nghỉ, con nhỏ tuổi hơn thì con khoan, để cho cô Loan phát tâm trước.

(16:58) Con, thí dụ, hôm nay là ngày rằm tháng bảy năm Đinh Sửu, con là Đỗ Thị Lan, sáu mươi tuổi. Hôm nay con quyết tâm xuất gia làm một đệ tử tu hành của Phật. Xin đức Phật, chư Hiền Thánh tăng chứng minh cho con. Rồi con lạy một lạy, rồi con lại đứng lên, rồi con lại nói một lần nữa, cho đến lần thứ ba, tức là ba lần xin Phật để mà trở thành một vị tu sĩ xuất gia theo Phật. Bây giờ bắt đầu con nói.

Phật tử 1:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Đệ tử con là Đỗ Thị Loan, sáu mươi tuổi, hôm nay là ngày rằm tháng bảy năm Đinh Sửu, con xin phát nguyện trước Tam Bảo và Thầy Bốn Sư của con, cho con xin được xuất gia theo đạo giải thoát của Phật. Từ nay trở đi con xin quyết tâm để thực hành những giới đức, giới hạnh, giới luật của Phật. Con xin đảnh lễ Phật, lạy Phật, Thầy chứng minh cho con ạ!

[Phật tử lập lại ba lần]

(20:05) Trưởng lão: Rồi con xá, ngồi xuống đi. Tới con.

Phật tử 2:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Con tên là Trần Ngọc Mỹ, bốn mươi tuổi, hôm nay là ngày rằm tháng bảy năm Đinh Sửu, con xin quỳ trước Tam Bảo, con xin quỳ trước đức Bổn Sư của con, con xin Tam Bảo chứng minh, con xin đức Bổn Sư của con chứng minh cho con được xuất gia. Con cũng xin nguyện là khi thọ giới xuất gia này, con giữ gìn giới luật của đạo tu hành giải thoát. Con nguyện suốt đời nương theo đức hạnh của Bổn Sư đã dạy con, để con tu hành cho đạo quả mình được viên mãn.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

[Phật tử lập lại ba lần]

(23:43) Trưởng lão: Con ngồi xuống đi con. Hôm nay là, bây giờ các con đã phát nguyện xuất gia, sẽ trở thành người tu sĩ của đạo Phật. Thì từ đây về sau các con là đệ tử của Phật, Thầy xin thay mặt chư Phật ba đời cũng như đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, để hứa khả cái sự thành tâm của các con đã phát nguyện trước ba ngôi Tam Bảo.

5- DIỆT NGÃ MẠN ĐỂ LY DỤC LY ÁC PHÁP

Vậy thì ngày giờ này, đương nhiên là các con trở thành những người tu sĩ của đạo Phật, và đồng thời là các con khỏi phải qua nhiều giai đoạn từ Sa-di-ni, Thức-xoa-ni cho đến Tỳ-kheo. Ngay bây giờ là các con đã là những vị tân Tỳ kheo.

Vì tuổi của các con quá lớn rồi, không còn phải chờ đợi nữa, mà phải nỗ lực thực hiện giới hạnh, giới đức, giới tuệ và giới bổn, giới hành cho nghiêm túc, để đem lại cái sự giải thoát cho chính bản thân của các con và làm sáng tỏ lại đạo Phật, thấp sáng lại ngọn đuốc của đạo Phật.

Cho nên không thể nào còn phải trải qua nhiều giai đoạn cấp bậc như là cấp bậc của thế gian, làm quan phải có quan huyện, rồi quan tỉnh, rồi mới là quan nhỏ quan lớn thế này thế khác. Ở đây chúng ta là tu sĩ, chỉ có một quan là quan giải thoát mà thôi. Cho nên ở đây chỉ có xuất gia là một vị Tỳ kheo đầy đủ giới hạnh, còn phạm giới thì dù là giới nào thì chúng ta ở nơi nào thì chúng ta cũng vẫn phạm, dù chức vụ nào vẫn là, vẫn phạm là vẫn phạm.

Tu thì tu, mà không tu thì không thể nào gọi là tu từ từ, mà phải ngay đó thực hiện đúng đời sống của chúng ta đầy đủ phạm hạnh, thì lần lượt nó sẽ đi đến chỗ giải thoát. Do vì vậy mà hôm nay đương nhiên các con được xem mình là những vị Tỳ-kheo-ni của Phật giáo, chứ không còn như trải qua nhiều lần làm Tác Pháp Yết Ma để từ chức này đến chức khác.

(25:52) Nhưng ở đây các con thọ Tỳ-kheo-ni không có nghĩa là danh, mà Tỳ-kheo-ni có nghĩa là cuộc đời các con khắc khổ trong kỷ luật gấp trăm gấp ngàn lần, để tìm lấy con đường giải thoát. Tỳ-kheo-ni của các con không có nghĩa là đi ra đường mà nghênh ngáo chứng tỏ mình là Tỳ-kheo-ni còn các vị kia toàn là Sa-di, thì như vậy nó không phải đúng.

Dẹp cái ngã mạn đó đi, dẹp cái chức vụ đó đi, dẹp cái cấp bậc đó đi, mà hãy thấy đây là một sự trói buộc khắc khổ của một người tu sĩ, là cái chức, là cái nhiệm vụ và cái chức vụ Tỳ-kheo-ni không phải đơn giản cho cuộc sống của nó.

Cho nên các con đừng nghĩ mình là Tỳ-kheo-ni rồi xem thường những người khác, nay là tu năm năm, ba năm, mười năm, hai chục năm mà vẫn còn là Sa-di-ni chưa thọ giới, chưa được Cụ túc, thì cái nghĩ đó là cái nghĩ sai của các con. Hãy dẹp đi. Xem thường một vị Tỳ-kheo-ni, ra đường hãy xem mình như một chú Sa-di-ni không hơn không kém.

(27:03) Luôn luôn dùng Bát Kỉnh Pháp của Phật, dù là một cái người nhỏ hơn mình, vẫn đảnh lễ họ như thường. Họ là Sa-di, họ là Thức-xoa như thế nào thì mình vẫn kính bái họ như thường. Họ là chú Sa-di, một thầy Sa-di nhỏ, mình cũng vẫn kính bái họ như thường. Họ là một người cư sĩ, một cận sự nam, một cận sự nữ, mình vẫn kính bái họ như thường.

Các con càng thấy cái chức vụ, cái nghĩa vụ của một Tỳ-kheo-ni là phải hạ mình xuống tận dưới đất để dẹp cái ngã của mình. Chứ không phải là khi thọ Cụ túc xong Tỳ-kheo-ni là mình lớn hơn ai hết. Vì giới hạnh đâu cho phép chúng ta lớn hơn ai, mà chúng ta càng nhỏ hơn mọi người thì như vậy chúng ta mới ly dục ly ác pháp. Nhớ kỷ những lời Thầy dặn, chứ không phải lấy cái danh mà Thầy đặt ở đây cho các con thọ Cụ túc, mà các con thấy mình mà hơn mọi người.

(28:04) Từ lâu thì các con thấy Thầy, cái duyên người ta chưa sống đủ ở đây, buộc lòng Thầy cho họ xuất gia mà đừng xem họ là Sa-di như chú Chân Trí. Tại vì chú không ở gần Thầy để nghiêm trì giới hạnh, cho nên khi ra đi sợ chú e phạm phải, cho nên chú phải mang cái sắc thái của Sa-di, người ta không cười.

Còn các con hôm nay đã được ở đây học toàn bộ giáo án của Phật, Thầy dạy toàn bộ là giới luật của Phật rồi thì đương nhiên các con phải thâm nhập vào cái giới luật đó, đương nhiên các con là những Tỳ-kheo-ni. Mà Tỳ-kheo-ni thì các con phải thấy nhỏ hơn là những người Sa-di-ni và những người Sa-di thì như vậy mới là Tỳ-kheo, không có được coi mình là lớn, mà hãy coi mình nhỏ hơn người nhỏ nữa thì mới xứng đáng là Tỳ-kheo-ni.

Các con hiểu chưa? Hiểu được vậy thì lời giáo huấn của Thầy nó mới có hiệu quả cho cuộc đời giải thoát của mấy con. Người ta bảo vô ngã là Niết Bàn. Mà muốn tìm Niết Bàn mà tại sao thấy mình là Tỳ-kheo-ni là mình lại có ngã trong đó liền? Thì như vậy có phải là Niết Bàn cho Tỳ-kheo-ni không, hay là địa ngục ở đó? Muốn hiểu được như vậy thì các con thấy cái nhiệm vụ và cái chức vụ mà của các con đã lảnh trong mình là phải diệt ngã.

Vì vậy cho nên thọ Cụ túc, thọ Tỳ-kheo-ni là phải làm hết nhiệm vụ là diệt ngã, không còn thấy lớn hơn ai hết. Cho nên pháp Bát Kỉnh của Phật đã dạy thì các con đã thấu rõ. Bất kỳ một vị gì, một người nào cũng phải là cung kính cho nên gọi là Bát Kỉnh. Mà Bát Kỉnh mới là giải thoát cho chúng ta thoát khỏi cái tâm ngã mạng của mình.

(30:04) Có làm được Tỳ-kheo-ni tự thấy là mình lớn, thì tức là mình đã chết đi ở trên con đường của Phật rồi, làm mất con đường tu của mình rồi. Vì thế, cái danh từ Tỳ-kheo-ni này không được các con thoát ra khỏi miệng, không được nói ra khỏi miệng: “tôi là Tỳ-kheo-ni”, thì cái đó là cái sai. Mà hãy biết Tỳ-kheo-ni là cái nhiệm vụ, cái trọng trách để tìm lấy cái sự giải thoát trong cái các giới luật của Phật, để giữ gìn oai nghi tế hạnh, để giữ gìn tu tập thiền định, trí tuệ vô lậu thì đó mới là Tỳ-kheo-ni.

Những lời giáo huấn của Thầy, các con nhớ kỹ và ghi khắc mãi trong tâm để các con đạt đến sự giải thoát cứu cánh hoàn toàn. Nếu không được vậy thì chắc chắn các con sẽ rơi vào địa ngục vĩnh kiếp không được sanh làm người. Vì giới luật của Phật mà được giải thoát, mà vì giới luật của Phật mà mình dìm nó đi, mình hại nó đi, làm mất thanh danh của một người, của một Tỳ-kheo-ni, thì các con sẽ bị đọa địa ngục biết đời nào kiếp nào mà thoát ra khỏi.

Nhớ kỹ mà cố gắng thực hành thì ngay được giải thoát, ngay đó đã làm con đường của Phật pháp thênh thang, ánh đèn của Phật pháp sáng suốt muôn trùng, mà nếu không được vậy thì các con phải thọ lấy khổ. Nhớ những lời Thầy, Thầy nói đâu là phải có vậy, vì cái nhìn của Thầy đã thấy biết rõ ràng.

Các con hiểu rồi thì giờ phút này là các con là những vị Tỳ-kheo-ni xứng đáng là người đệ tử nữ của đức Phật, như các vị Thánh Ni mà các con đã từng được nghe lời Thầy giảng dạy. Làm sao cố mà gắng theo gương hạnh của các bậc Thánh Ni để được như các vị, thì các con mới xứng đáng là những vị Tỳ-kheo-ni trong thời đức Phật, và hiện tại là những đệ tử của Thầy.

Đến đây Thầy xin chấm dứt buổi làm lễ xuất gia cho hai con. Vậy chư Phật mười phương ba đời chứng minh lời giáo huấn, lời giáo giới của Thầy hôm nay đến đây hoàn mãn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật chứng minh!

6- THẾ NÀO LÀ QUY Y TAM BẢO

(32:28) Trưởng lão: Bây giờ thì Thầy, các con có tâm mà quyết đã xin quy y Tam Bảo, theo ba cái ngôi báu của Phật, Pháp, Tăng để mà nương nhờ. Sau này thực hiện những cái Đạo Đức Nhân Quả để đem lại cái đời sống của các con được hạnh phúc an vui, không làm khổ mình khổ người, như vậy thì trước khi mà quyết tâm mà nương theo quy y Tam Bảo thì các con phải hiểu Tam Bảo là gì.

Chữ quy y này có nghĩa là gì? Quy là trở về, y là nương tựa. Quy y có nghĩa là trở về nương tựa một cái nơi vững chắc. Như các con đã thấy mình nương tựa với cha mẹ mình, từ nhỏ chí lớn nhờ cha mẹ làm để nuôi mình, nhưng mà sự nương tựa đó không vững chắc. Khi các con đau cha mẹ đâu có đau thế được, các con đau là các con phải chịu đau.Đó các con thấy rõ chưa.

Mà khi các con chết, cha mẹ cũng đâu có chết thay cho các con được, chỉ có làm cơm cho các con ăn, mua thuốc cho các con uống cho nó bớt đau thôi, chứ cha mẹ của mình thì không có đau thay cho mình được, mà cũng không có chết thay cho mình được. Vì vậy mà cái chỗ nương tựa với cha mẹ nó không vững chắc, nó chỉ đỡ thôi chứ nó không vững chắc. Dù bất cứ bây giờ chúng ta nương tựa với người nào nó cũng không vững chắc.

Trái lại nương tựa ba ngôi Tam Bảo nó sẽ vững chắc. Tại sao vậy? Tại vì, cái đau bệnh của các con nó sẽ không còn có đau bệnh nữa. Tại sao không còn có đau bệnh nữa? Tại vì con sẽ làm giống y như Phật thì con sẽ không còn đau bệnh nữa.

(34:00) Và con sẽ thực hiện sống đúng cái đời sống của Phật, thì chết con làm chủ được cái chết, con muốn sống thì con cũng làm chủ được cái sống. Cho nên thấy cái ba ngôi Tam Bảo mà nương tựa nhu vậy, nó rất vững chắc, nó làm cho cái đời sống chúng ta an ổn, không còn lo sống, lo chết, lo bệnh tật, lo đói khát nữa. Chỉ có mình làm đúng thực hiện đúng là cơm ăn áo mặc đầy đủ, không cần phải nhờ vả vào ai nuôi mình nữa hết, tự mình.

Và đồng thời, bệnh đau mình cũng nương tựa vào đó, thì bệnh đau mình cũng không có bệnh đau, và tới chừng chết mình cũng vẫn thấy tự tại được cái sự chết. Như vậy thì chúng ta mới nương tựa cái ba ngôi Tam Bảo mới gọi là nương tựa nơi vững chắc, bảo vệ cho chúng ta vững chắc, đời đời kiếp kiếp chúng ta không còn đau khổ nữa.

Cái thứ nhứt là nương tựa ba ngôi Tam Bảo, thì chúng ta nương tựa vào ba cái nơi đó, nó mới xuất phát ra chúng ta cái lộ trình nhân quả, cái đạo đức nhân quả. Từ nơi Phật, Pháp, Tăng nó mới thực hiện được cái đạo đức Nhân quả, từ đó chúng ta là con người biết sống ở trong cái đạo đức nhân quả. Một điều ác chúng ta không làm, và điều thiện thì chúng ta làm.

(35:09) Đó là chúng ta biết rõ. Còn bây giờ nhiều khi điều ác chúng ta không biết, chúng ta làm rồi mai mốt tai hoạ đến chúng ta mới hởi ôi là khổ. Đó là con đường nhân quả là như vậy. Vì vậy mà chúng ta nương tựa ba ngôi Tam Bảo, là chúng ta biết rõ được con đường nhân quả. Và rõ được con đường nhân quả thì tự bàn tay chúng ta đem đến cái hạnh phúc cho chúng ta.

Cơm ăn áo mặc cũng do bàn tay khối óc chúng ta đem lại cho chính mình, và sự giàu sang cũng chính bàn tay của chính mình, và sự đau bệnh chết chóc cũng do chính mình, và hạnh phúc an vui cũng do chính mình. Mình nói một lời nói đã làm cho cả gia đình buồn khổ, mà cũng một lời nói mà đem lại hạnh phúc cho gia đình mình. Một lời nói mà yên làng yên xóm, một lời nói mà làm xáo động cả làng cả xóm, cũng đều do lời nói. Lời nói chúng ta là ở chỗ thiện và ác là nhân quả.

(36:03) Mà từ đâu lưu xuất ra được cái nhân quả này, có phải là từ ba ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng hay không? Do ba ngôi Tam Bảo này mà chúng ta nương tựa đúng chánh, hiểu đúng, thì đem lại đời sống chúng ta hạnh phúc an vui, đầy đủ cuộc đời. Sinh ra làm người có ai muốn đời mình khổ bao giờ, có ai muốn đời mình thiếu cơm ăn áo mặc bao giờ?

Người nào cũng muốn cho mình đây đủ cơm ăn áo mặc, thế mà vẫn thiếu, bươn chải thôi đầu này đến đầu kia, nhiều khi cố gắng làm, làm mãi làm mãi để cho có đủ cơm ăn áo mặc, hay dư dả như mọi người, thì lại bị tù tội. Do ác pháp mà chúng ta đã tạo ra những điều đau khổ càng đau khổ hơn nữa.

Do như vậy mà chúng ta trở về ba ngôi Tam Bảo. Vậy ba ngôi Tam Bảo là gì? Là Phật, Pháp, Tăng.

Phật là một con người như tất cả con người chúng ta, không phải là một bậc Thánh. Ngài là một người phàm phu cũng có vợ có con, cũng có cha có mẹ, cũng biết đau khổ, cũng biết bệnh tật, cũng biết thương nhớ. Nhưng ngài thấy cuộc đời người quá khổ, ngài bỏ ngai vàng của báu, ngài bỏ cả vợ đẹp con xinh, ngài bỏ cả cha già, rồi ra đi trong rừng rú, sống một đời sống thiếu trước hụt sau, không có được đầy đủ, cơm ăn cũng thiếu, mà áo mặc cũng không dư.

Do đó ngài quyết tâm đi tìm đạo giải thoát. Cuối cúng ngài giải thoát được, đem lại một cái đời sống quá là an vui cho chính mình, giải thoát được sanh tử, làm chủ được luân hồi. Ngài sung sướng vô cùng, đem lại dạy cho chúng ta ngày nay.

Hôm nay chúng ra nương vào ngài mà thực hiện con đường này, thì chúng ta cũng hạnh phúc vô cùng, được làm đệ tử của một bậc siêu việt vô cùng, một bậc giải thoát. Ngài mới sanh ra ngài đưa tay chỉ trời chỉ đất Ngài nói: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn, nhứt thiết thế gian sanh lão bệnh tử”. Ngài nói trên trời dưới trời ta là người duy nhất đã vượt qua sanh lão bệnh tử.

(38:07) Mà bây giờ chúng ta theo Ngài thì chúng ta cũng vượt qua được sanh lão bệnh tử, thì còn hạnh phúc nào mà vui cho đời sống của chúng ta. Phải không các con?

Hôm nay cái con được duyên về nghe Thầy giải thích, hiểu được Phật, hiểu được một con người siêu việt. Không phải siêu việt để làm một trò thuật, một trò xiếc cho người ta xem, mà siêu việt ở đây là siêu việt làm chủ cái sống chết của con người, làm chủ được cái đau khổ của con người, cho nên chúng ta quá kính phục Ngài.

Từ đó chúng ta xem như Ngài như một ông cha lành, một vị Thầy vô cùng vĩ đại đã đem lại cho chúng ta một đời sống giải thoát. Và được phước duyên, được có một vị thầy đại diện thay ngài để mà dẫn dắt các con đi vào con đường của Phật pháp, hướng về ba ngôi Tam Bảo này, để cho các con từ đây về sau có một chỗ nương tựa vững chắc.

Như vậy các con thấy một đức Phật có xứng đáng là bậc Thầy của các con không, có xứng đáng là cái chỗ nương tựa của các con không? Chắc chắn sẽ là rất xứng đáng. Và rất xứng đáng khi mà các con đã hiểu thực của nó, còn nếu mà các con nghĩ, hiểu một cách mơ hồ, thì cái xứng đáng này nó chưa hẳn đã xứng đáng, mà nhiều khi còn lầm lạc, các con đã dìm cái hình ảnh, cái Đạo Đức cao siêu của đức Phật lại xuống bùn nhơ hôi thúi.

Quy ý Tam Bảo cách đây năm năm mười năm rồi, mà người đệ tử của Phật chẳng ra gì hết thì cái đó là quy y Tam Bảo gì? Quy y Tam Bảo theo Phật, nương tựa Phật, thì hằng ngày phải đi gần đến cái chỗ làm chủ sanh tử, thì mới gọi là quy y Tam Bảo. Phật ngày xưa từ bỏ tất cả của cải vàng bạc, châu báu, chúng ta bây giờ là người cư sĩ, từ bỏ những gì mà đem đến những đau khổ cho chúng ta, từ bỏ những ác pháp, để đem lại cho hạnh phúc cho chúng ta, thực hiện những thiện pháp.

(40:01) Chứ không phải bỏ như đức Phật để đi vào lộ trình xuất gia như đức Phật, mà đi vào lộ trình của người cư sĩ, thì các con phải từ bỏ những ác pháp, mà chấp nhận những thiện pháp, để đem lại một cuộc đời ăn vui hạnh phúc cho các con. Vì nơi Phật, nơi Pháp, nơi chúng Tăng mà sản sanh ra được cái con đường Đạo Đức giải thoát thật sự cứu cánh cho các con khi các con đã nương tựa nó.

Hiểu được như vậy thì các con mới rõ được Phật là một vị đáng là chỗ nương tựa của chúng ta, là đáng một bậc thầy của chúng ta, là đáng là một người cha lành cho chúng ta để chúng ta nương tựa.

Bây giờ đến Pháp, Pháp là gì? Pháp là những lời Phật dạy. Phật dạy pháp này ác chúng ta không nên làm, thì từ đây về sau chúng ta đừng có làm, đừng có sống theo pháp ác. Mà pháp này thiện, đức Phật ngài dạy các con hãy thực hiện pháp này, hãy tăng trưởng cái pháp này, nuôi lớn cái pháp này, sống theo cái pháp thiện này, mà luôn luôn phải diệt trừ các ác pháp.

Thì chúng ta hãy nghe lời, và sống đúng các pháp thiện mà diệt trừ các pháp ác, thì tâm hồn các con không còn tham sân si, giận hờn và đau khổ nữa, cơm ăn áo mặc các con đầy đủ, tiền bạc các con xài không hết, luôn luôn lúc nào trong gia đình cũng hạnh phúc an vui, cha mẹ thì thương nhau hòa thuận, các con thì hiếu thảo đối với cha mẹ.

Không bao giờ các con ham chơi với những bè bạn hư thân mất nết, lời ăn tiếng nói thô lỗ độc ác, các con đều luôn luôn tránh xa khi mà các con đã biết Phật pháp, đã quy y Tam Bảo. Các con nhớ kỷ, khi quy y Tam Bảo rồi thì các con không được chơi với những người bạn ác, vì có những hành động ăn cắp ăn trộm, nói lời nói thô lỗ, nói lời nói hung dữ, nói lời nói lật ngược, nói lời nói xảo trá không thành thật; những người bạn đó các con không được gần họ.

(42:02) Lời Phật dạy như vậy mà, gần những người bạn ác chúng ta sẽ trở thành những người ác, mà gần những người tốt thì chúng ta sẽ được tốt. Chúng ta hãy chọn những người bạn lành mà chúng ta chơi. Từ khi các con quy y Phật Pháp Tăng rồi, phải sáng suốt mà chọn người bạn tốt mà chơi. Những người nào ham chơi, rượu chè, bài bạc thì các con nên tránh, vì pháp Phật đã dạy như vậy. Khi mà các con đã hiểu biết được như vậy, các con chọn bạn tốt mà chơi.

Tăng là những bậc nào? Là những bậc giới đức thanh tịnh, là những bậc Thánh Tăng trong thời đức Phật, hoàn toàn là những người có giới hạnh, không ham muốn, không rượu chè, không cờ bạc, không vui chơi, không đá banh, không đá bóng, không chơi đua xe, không chạy lạng ở trên đường, đó là những bậc Thánh Tăng.

Những vị Thánh Tăng đi thì phòng hộ sáu căn, ngó xuống đường, không ngó qua ngó lại, không đắm đuối vật chất ham mê, cho nên chúng ta là những người cư sĩ, không phải như những bậc tu sĩ ấy, nhưng chúng ta cũng nương vào các ngài để mà chúng ta thực hiện thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ, để chúng ta thực hiện thiện pháp, sống đúng thiện pháp như các ngài.

Như vậy là ba ngôi báu này để tượng trưng ba cái nơi mà chúng ta nương tựa vững chắc. Bây giờ các con đã hiểu được ba cái nơi cao quý và tốt đẹp này. Lần lượt vì Thầy đang ẩn bóng rồi cho nên không có duyên mà giảng dạy cho các con đạo đức nhân quả, không có duyên giảng dạy cho các con thấm hiểu hơn nữa, để cho các con biết cái nào ác cái nào thiện, để mà các con nương vào ba ngôi Tam Bảo này, là nơi cứu kính, là nơi đem lại hạnh phúc an vui cho các con.

Khi các con còn tuổi trẻ, được sự khích lệ, được sự hướng tâm đến ba ngôi Tam Bảo mà ngày hôm nay mới có sự quy y Tam Bảo. Vậy thì các con lần lượt sau này còn đủ duyên, các con về đây thưa hỏi với cô Út, rồi cô Út dạy từng bước một. Và cũng là thưa hỏi cô Út để cô Út cho những bản kinh nói về Nhân Quả.

Rồi các con sẽ đọc thấy những gì Phật dạy trong đó, những điều thiện các con cố gắng mà làm, những điều ác thì các con cố gắng mà diệt trừ, để đem lại cuộc đời của người cư sĩ an vui hạnh phúc mãi mãi muôn đời, cho đến ngày các con chết đi vẫn là đem lại cuộc sống đầy đủ hạnh phúc cho các con, không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ những người trong gia đình, cũng không làm khổ những người trong xã hội.

7- NGHI LỄ PHÁT TÂM QUY Y TAM BẢO

(44:49) Được như vậy, thì các con hiểu được như vậy, thì các con hãy quỳ lên mà nói câu này, Thầy tóm tắt gọn để các con nói theo: “Hôm nay con quyết tâm quy y Tam Bảo Phật Pháp Tăng trọn đời làm người đệ tử cư sĩ của Phật”. Con nói như vậy, nhớ không?

Bây giờ nghe theo Thầy con nói theo: “Hôm nay chúng con”, nói đi, “quyết tâm quy y Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng trọn đời làm cư sĩ đệ tử Phật”, lạy một lạy.

Rồi các con nói nữa, Thầy nói trước các con nói sau: “Hôm nay chúng con quyết tâm quy y Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng trọn đời làm là cư sĩ đệ tử của Phật”, rồi con lạy một lạy.

“Hôm nay chúng con quyết tâm quy y Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng trọn đời làm đệ tử cư sĩ của Phật”, con lạy một lạy. Bây giờ thì các con ngồi xuống đi.

Sau khi thành tâm, phát cái tâm mà đã hướng đến ba ngôi Tam Bảo quyết làm đệ tử của Phật ba lần, Thầy đại diện cho chư Phật mười phương chứng nhận cho các con là trở thành những người đệ tử cư sĩ của Phật. Vậy thì ngay bây giờ, giờ này bắt đầu từ đây về sau, hai con là đệ tử của Phật, là đệ tử cư sĩ của Phật, các con hãy đảnh lễ Phật ba lạy. Bây giờ các con quỳ lên đảnh lễ Phật ba lạy. Lạy đi con, lạy Phật đi.

(47:18) Bây giờ thì các con đã lễ Phật rồi, đã phát nguyện quy y Tam Bảo rồi, thì đương nhiên là cái thọ Tam Quy của các con hôm nay đã viên mãn, đã hoàn thành rồi. Thôi thì các con để chờ ít hôm Thầy sẽ viết cho cái Lòng phái, mỗi đứa một cái, rồi Thầy đặc cho các con cái pháp danh, còn giờ này thì đương nhiên là cái lễ đã quy y thì các con đã viên mãn. Cho nên các con đã đảnh lễ Phật để đền đáp ơn Phật tổ xong rồi thì các con lui ra nghỉ, không có gì hết.

8- THẦY ĐẶT PHÁP DANH VÀ PHÁP HIỆU

Trưởng lão: Bây giờ tới cái phần mà các con xin Thầy cái pháp hiệu.

Phật tử: Thưa Thầy có pháp danh còn pháp hiệu nữa?

Trưởng lão: Tại vì cái pháp danh có rồi con, thì phải đặt cái pháp hiệu.

(48:48) Con là Hải Tâm phải không? Tâm rộng như biển mà, còn xin gì nữa. Tâm rộng như biển thì dung chứa biết bao nhiêu. Thôi cứ để cái Hải Tâm cho rộng lớn như biển đi, tốt rồi con, khỏi xin. Cố gắng mà tu tập, tâm rộng lớn như biển đi

Phật tử: Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Bạch Thầy, hôm nay con xin Thầy cái pháp hiệu

Trưởng lão: Hôm nay con xin Thầy cái pháp hiệu, và đồng thời thì các con đã được nghe Thầy giảng về cái giới luật của Phật, tức là cái bậc thầy mà làm thầy cho các vị, thừa kế Phật làm thầy cho các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni sau này thì Thầy đã giảng gần xong rồi. Chỉ còn cái giới hành nữa là mới xong, nhưng tạm thời thì các con đã hiểu được cái giới luật làm thầy của mình rồi.

Vậy thì bắt đầu từ nay mà về sau, cố gắng mà giữ gìn cái giới hạnh đó, thì đương nhiên là các con là những vị Tỳ-kheo-ni của đức Phật rồi. Mà nếu các con làm mà không đúng, sống không đúng cái giới hạnh của Phật, ăn phi thời, ngủ phi thời, sống không độc cư, không đúng cách thì tức là các con sống không phải là Tỳ-kheo-ni nữa.

(50:04) Bởi vì Tỳ-kheo-ni là tượng trưng cho giới hành, tượng trưng cho giới đức, tượng trưng cho giới tuệ. Mà nếu mà không giữ gìn đúng những giới luật như vậy, thì đương nhiên các con sẽ không có xứng đáng làm một vị Tỳ-kheo-ni.

Muốn xứng đáng như vậy thì các con phải sống như thế nào? Phải biết nhẫn nhục, phải biết tuỳ thuận, phải biết bằng lòng. Thì như vậy, cái đức mà Nhẫn nhục - Tùy thuận - Bằng lòng nó bao gồm cả cái giới hành, cái giới mà hạnh, giới đức, giới tuệ, và giới bổn, và đến cả cái giới hành nữa. Nhớ kỷ vì ba cái Đức này nó bao gồm cả cái giới luật của Phật, cũng như Bát Kỉnh Pháp, nó bao gồm cả ba trăm bốn mươi tám giới Tỳ-kheo-ni.

Cho nên Bát Kỉnh Pháp là cái người mà đứng ra để cho bên Ni lấy đó mà làm cái hướng mà quy y Tam Bảo. Các con hiểu chưa. Cho nên hướng đến mà thọ Cụ túc cũng là Bát Kỉnh Pháp. Chứ không phải là đức Phật, cũng không phải là một vị Tỳ-kheo nào, các con đã từng nghe Thầy thuyết giảng rồi mà.

Hôm nay thì các con lại lấy ba cái Đức Nhẫn nhục - Tùy thuận - Bằng lòng làm cái hướng, làm cái nơi đại diện để dẫn dắt cho các con vào con đường của Phật pháp, trở thành cái Ni, trở thành những người Ni xứng đáng của đạo Phật.

Vì có gì hơn là nhẫn nhục? Mà Phật nói nhẫn nhục là một điều khó làm hơn những điều khác. Và cái gì tuỳ thuận mà được, thì cái đó không phải là chuyện dễ tuỳ thuận; mà tuỳ được thì tất cả những giới đều thực hiện được. Và cái gì mà bằng lòng được, nếu mà bằng lòng được thì tức là xả được hết, mà xả được hết tức là cái giới hành đã trọn vẹn, cái giới đức đã thành tựu, cái giới tuệ đã viên mãn.

(52:00) Các con hiểu chưa? Như vậy thì hôm nay Thầy sẽ cho các con mỗi người một cái pháp hiệu, vì đã từng xuất gia với Bổn Sư của mình, thì dù là xuất gia với Bổn Sư nào cũng là một người đại diện cho Phật pháp chứ đâu phải ông ta. Cho nên chúng ta đừng bỏ ông ta, mà chúng ta hãy nhớ rằng nhờ ông ta mới hôm nay mới có gặp Thầy.

Không có ông ta thì hôm nay các con đã có gia đình, có con, nay là đã là bà nội bà ngoại mất rồi, còn đâu mà biết tới tu hành. Cho nên ơn nghĩa đó chúng ta không quên, và cái pháp danh Minh Cảnh vẫn mãi mãi nhớ mãi trong lòng.

Nhưng hôm nay đến đây được Thầy chấp nhận là đệ tử Thầy truyền pháp cho, thì cố gắng mà thực hiện, thì các con sẽ tiến tu mãi, trước là đền ơn Bổn Sư của mình, người đã dẫn dắt mình lúc ban đầu, để cho mình tránh cái duyên ràng buộc của thế tục, vì vậy mà ngày giờ này mình không có gia đình, không có con cái, không có trở thành bà nội bà ngoại, vì vậy mà mình giải thoát được. Nhớ ơn đó, thì mình bao giờ mình cũng không quên.

Cho nên Thầy không bao giờ mà dạy các con trở thành người đệ tử vong ơn bạc nghĩa, mà muốn cho các con luôn luôn nhớ cái bước đầu chập chững phải nhờ một bậc thầy người ta đưa mình đến ba ngôi Tam Bảo. Mặc dù người ta có sai phạm trong giới luật, nhưng người ta vẫn đưa mình đến chỗ cao quý. Đó là cái thứ nhứt.

Và lần lượt Thầy sẽ cho cái pháp hiệu các con, để các con thực hiện được những giới đức cho xứng hợp với các pháp hiệu. Vì vậy thì lần lượt Thầy sẽ cho. Thay vì các con phải hỏi trước Thầy một tuần lễ thì mới được, đằng này các con vui đâu chạy theo đó, nghe người ta làm lễ xuất gia, làm lễ quy y thì các con đã là chạy theo xin thì cái này nó hấp tấp và vội vàng quá.

Minh Cảnh thì có gởi cho Thầy cách đây mấy bữa, trong cái tập nhật ký thời khoá cho nên Thầy có xem rồi. Nhưng mà vì nhiều công việc quá cho nên Thầy không có chuẩn bị cho Minh Cảnh. Cho nên hôm nay thì Thầy sẽ lần lượt cho cái pháp hiệu con.

(54:12) Và cô Phượng thì cũng xin Thầy, đã từng quy y với Hòa thượng. Hoà thượng là một bậc tôn túc, Hòa thượng đã hướng dẫn biết bao nhiêu người, uy danh của ngài rất là lớn, do vì vậy cũng là xứng đáng là một bậc thầy của mình, cao quý nhứt lắm rồi. Cho nên đến đây mà thọ pháp tu hành với Thầy, qua cái sự hướng dẫn của Thầy, đi vào con đường giới luật, thì xin thì Thầy thấy nó có một cái gì mà hấp tấp quá, đó là cái nó không có rõ ràng.

Là vì đến đây nghe nói như vậy rồi xin, chứ còn phải chi xin Thầy trước ba bốn bữa, và từ lâu đã có tâm niệm đó, thì như vậy thì Thầy thấy nó không có nông nổi và vội vàng. Bởi vì Hoà Thượng cũng là một bậc rất là xứng đáng cho cô Phượng nương theo người mà tu hành, nhưng vì cái pháp tu nó không có phù hợp với căn cơ của mình, cho nên xin về tu hành những cái pháp môn của Thầy.

Điều kiện đó Hoà Thượng không buồn đâu mà Hoà Thượng rất vui, là vì mình thấy mình không hợp thì mình đi tìm cái pháp khác mà tu. Là một bậc mà dạy đạo, người ta không có ngại, chỉ ngại là cái người không hiểu đạo rồi chỉ trích thầy mình như thế này thế khác, rồi khinh bỉ thầy mình thế khác. Bởi vậy Thầy thấy ở trong cuộc đời Thầy dạy đạo chưa bao giờ mà Thầy làm phiền Hoà Thượng Thanh Từ.

Thế mà có một số đệ tử của Thầy lại lấy những cái lời giảng của Thầy, cho rằng Thầy chỉ trích Hoà Thượng thế này thế khác. Thiệt ra những cái hạng đệ tử này đã không làm cho sự sum họp giữa thầy và trò, mà còn muốn làm cho thầy trò chống đối nhau, chính là những người đệ tử của Thầy ở đây không ai khác. Các con hiểu điều đó, cho nên Thầy thấy tâm niệm của họ rất là ác độc.

(56:02) Tình thầy trò giữa thầy Thanh Từ không bao giờ sứt mẻ, thế mà họ dám làm để cho sứt mẻ, thì thử hỏi họ là những con người gì? Có phải là ác thú không. Các con nhớ, cho nên khi mà xin Thầy Thầy giảng cho các con rõ, các con rõ thì Hoà Thượng là một bậc cao quý, một bậc rất là xứng đáng.

Thầy là đệ tử của Hoà Thượng, con đã quy y với Hòa Thượng là coi như là đàn em của Thầy. Hôm nay xin Thầy một pháp hiệu thì đó là một điều tốt chứ không có gì. Các con hiểu điều đó. Vì Hoà Thượng có ngày phải thị tịch, thì các con biết nương tựa vào ai, phải nương tựa vào các huynh trưởng của mình.

Thì đó là một cái điều trên dưới hoà thuận, không có nghịch nhau, hoàn toàn đem lại một cái đạo Phật thống nhất, không có chia rẻ, không có, rất là đoàn kết, không có sống thế này thế khác. Cho nên hầu hết là gặp Thầy, Thầy rất khuyên các con đừng có những cái tâm niệm sai lệch, làm cho từ con đường tu chân chánh của mình nó lạc vào con đường tà mất rồi.

Tình nghĩa thầy trò một ngày một giờ cũng là thầy của mình, thế mà mình nghĩ sai một chút là đã làm lệch tâm của mình rồi, là làm cho mình trở thành một người xấu. Cho nên các con tuần tự Thầy sẽ cho các con cái pháp hiệu, để các con cố gắng mà giữ gìn giới đức giới hành để mà tu tập cho đến giải thoát sanh tử làm chủ luân hồi.

Đó là cái ý muốn chung của Thầy, không muốn cái người nào còn ở trong địa ngục nữa, muốn cho các con thoát ra khỏi địa ngục trần gian đau khổ này. Thôi đến đây thì hoàn mãn công đức.

Lần lượt Thầy sẽ cho từng người từng cái pháp hiệu xứng hợp với tâm tánh, đặc tánh của các con, để các con lấy cái pháp danh hằng ngày người ta gọi tên mình là nhắc mình phải làm cái gì đây. Các con hiểu cái tên nó phù hợp với con người chứ, người ta kêu cái tên mình, thì mình phải làm cái gì chứ.

(58:01) Cũng như hồi nãy Hải Tâm tính xin Thầy pháp hiệu, mà Thầy xét Hải Tâm là cái tâm rộng lớn như biển, nó dung chứa biết bao nhiêu cá xà cá mập, cá ông cũng chứa đủ thứ hết, rồi các con cá bé nó cũng đầy hết, cố gắng mà dung chứa cho hết, đừng có phiền não. Mà không phiền não thì dung chứa hết thì cái tâm đó gọi là từ bi vô lượng, phải không? Rộng lớn vậy còn xin làm gì nữa.

Từ đây về sau cứ gọi Hải Tâm cho dữ, cho tâm nó lớn rộng như biển. Còn các con, Minh Cảnh mà cảnh không có minh chút nào hết, nó mù tối, cho nên nó là tối cảnh chứ không phải minh cảnh.

Bây giờ là các con đã trở thành những người tu sĩ rồi, vậy thì trước khi mà cái buổi lễ hôm nay viên mãn, thì còn cái phút cuối cùng là Thầy nhắn nhủ các con, mặc chiếc áo giữ đầu tròn này, mãi mãi là những cái phạm hạnh, tâm bất động trước các pháp của thế gian, do cái mục đích phạm hạnh của nó là tâm bất động giải thoát.

(59:00) Nhớ kỷ những cái điều này, trước các pháp nào thì các con cũng phải giữ tâm bất động. Và bây giờ đó, là giờ phút này là các con là tân Tỳ-kheo-ni rồi, thì các con lại còn phải giữ gìn tâm bất động giải thoát mình hơn nữa.

Và cuối cùng, thì các con đảnh lễ Thầy, để tạ ơn Thầy đã nãy giờ đã nói mệt quá rồi mà không thấy mấy cái người học trò này nó nói lời ơn nghĩa nào hết, vậy thì bây giờ các con đảnh lễ Thầy đi, rồi chúng ta sẽ viên mãn cái buổi lễ xuất gia cho mấy con. Bây giờ các con đảnh lễ đi.

9- PHẬT TỬ ĐẢNH LỄ KẾT THÚC BUỔI XUẤT GIA

Phật tử 1: Phật tử chúng con hôm nay được chút duyên lành, được về đây tu học cùng với Thầy. Hôm nay lại được Thầy tế độ cho chúng con, chúng con nghĩ ơn này không biết lấy gì đến đáp ạ. Con xin nguyện trước Tam Bảo, trước Thầy Bổn Sư, con xin cố gắng những gì mà Thầy đã dạy ra cho chúng con. Chúng con xin thực hành những lời Thầy dạy và những giới luật của Phật được nghiêm túc, được đầy đủ.

Chúng con xin, từ nay trở đi chúng con xin nguyện nương theo giới đức của Thầy, giới hạnh, giới tuệ của Thầy chúng con tu hành cho đến ngày thành công viên mãn. Chúng con xin lễ tạ Thầy ạ. Con Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

(1:00:45) Phật tử 2: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (ba lần).

Nam Mô kính bạch Thầy, hôm nay con thấy là con có đủ cái phước duyên về nương tựa nơi bóng từ bi của Thầy. Con cảm thấy là một cái điều phước nhiều đời của con. Bấy lâu thì con cũng có đi tu, nhưng mà con nương tựa những cái nơi mà con cũng chưa có vừa lòng lắm.

Thì hôm nay con về đến đây thì với cái đạo hạnh của Thầy, con thấy Thầy đúng là một vị chân sư mà con theo Thầy để nương cái oai đức và cái đạo hạnh của Thầy trên bước đường tu của con nó được suôn sẻ. Và con nguyện con nương theo cái giới hạnh của Thầy, tu hành đến ngày viên mãn. Con xin lễ tạ Thầy hai lễ.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (Hai lần)

Trưởng lão: Bây giờ là cái buổi lễ mà xuất gia của hai con ấy, đã hoàn thành rồi, đã viên mãn xong và nghe lời cuối cùng đã xong. Các con hãy trở lui mà nghỉ, và các con, tất cả những người mà tham dự hôm nay, buổi lễ xuất gia này, thì các con cũng lui ra hết để nghỉ ngơi. Vì nãy giờ rất lâu rồi. Các con trở về, rồi Thầy sẽ tuần tự cho các con mỗi người một cái pháp danh pháp hiệu, như các con đã cầu xin Thầy. Thôi các con bây giờ lui ra.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy